Tóm tắt các thể loại văn bản đã học, các dạng câu hỏi và bài văn giữa kỳ, luyện một số đề tham khảo
TRƯỜNG THCS GIANG BIÊN
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP NGỮ VĂN 7
Năm học: 2023 – 2024
I-KIẾN THỨC CƠ BẢN
Câu hỏi Trả lời
Câu 1
Chương trình Ngữ Văn 7 kì I có mấy bài học ? Trong mỗi bài học em được rèn những kĩ năng nào?
- Chương trình Ngữ văn 7 có năm bài học:
+ Bài 1: Tiểu thuyết và truyện ngắn
+ Bài 2: Thơ bốn chữ, năm chữ
+ Bài 3: Truyện khoa học viễn tưởng
+ Bài 4: Nghị luận văn học
+ Bài 5: Văn bản thông tin
- Được rèn các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe.
Câu 2
Điều mà em thích thú khi học chương trình Ngữ văn 7 kì I và những khó khăn của em khi học tập bộ môn là gì? - HS chia sẻ theo quan điểm cá nhân:
+ Điều thích thú khi học tập bộ môn.
+ Những khó khăn trong quá trình học tập
Câu 3
Chia sẻ những kỉ niệm đáng nhớ của em khi học tập môn Ngữ Văn 7 trong học kì I. - HS chia sẻ kỉ niệm đáng nhớ khi học tập môn Ngữ văn học kì I.
Câu 4.
Sau một học kì học tập thì em có thấy hài lòng về kết quả học tập bộ môn của mình so với mong muốn của bản thân đã chia sẻ khi học ở bài mở đầu chưa? - HS tự trả lời điều mà bản thân đã đạt được/ chưa đạt được theo mong muốn và nêu được lí do hợp lí.
Câu 5.
Em có kế hoạch như thế nào cho việc học tập bộ môn Ngữ văn ở học kì II? - Học sinh chia sẻ cách học tập bộ môn:
+ Tích cực học tập.
+ Học tập nghiêm túc
+ Kiên trì, cố gắng đạt mục tiêu học tập mà bản thân đã đề ra.
II- CÁC DẠNG CỤ THỂ
Loại Thể loại hoặc kiểu văn bản Tên văn bản đã học
Văn bản văn học Truyện ngắn và tiểu thuyết - Người đàn ông cô độc giữa rừng Trích “Đất rừng phương Nam” - Đoàn Giỏi)
- Buổi học cuối cùng
(An- phông- xơ Đô- đê)
- Dọc đường xứ Nghệ
(Trích “Búp sen xanh” - Sơn Tùng)
Truyện khoa học viễn tưởng - Bạch tuộc (Trích “Hai vạn dặm dưới đáy biển” - Giuyn Véc -nơ)
- Nhật trình Sol 6 (Trích “Người về từ Sao Hỏa” - En - đi Uya)
- Chất làm gỉ (Rây Bret- bơ- ry)
Thơ bốn chữ, năm chữ - Ông đồ (Vũ Đình Liên)
- Mẹ (Đỗ Trung Lai)
- Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh)
Văn bản nghị luận Nghị luận văn học - Thiên nhiên và con người trong truyện “Đất rừng phương Nam” (Bùi Hồng)
-Vẻ đẹp của bài thơ “Tiếng gà trưa” (Đinh Trọng Lạc)
- Sức hấp dẫn của tác phẩm “Hai vạn dặm dưới đáy biển” (Lê Phương Liên)
Văn bản thông tin Giới thiệu quy tắc, luật lệ của một hoạt động hay trò chơi - Ca Huế
(Theo dsvh.gvo.vn)
- Hội thi thổi cơm
(Theo dulichvietnam.org.vn)
- Những nét đặc sắc trên đất vật Bắc Giang
Theo Phí Trường Giang (dulichbacgiang.gov.vn)
3. Cách đọc hiểu các loại văn bản
* Cách đọc thơ bốn chữ, năm chữ:
- Chú ý nhận biết yếu tố hình thức (Chú ý nhan đề, dòng thơ, số chữ, khổ thơ, cách ngắt nhịp, gieo vần, thanh bằng trắc và biện pháp tu từ có trong bài thơ)
+ Phân tích giá trị biểu đạt của từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ
- Nhận biết những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc của người viết thể hiện qua bài thơ.
+ Biết được bài thơ là lời của ai? Nói về ai, về điều gì? Nói bằng cách nào; cách nói ấy có gì độc đáo, đáng nhớ.
+ Lí giải được tình cảm cảm xúc nhân vật trữ tình được thể hiện qua ngôn ngữ văn bản, từ đó rút ra những bài học ứng xử cho bản thân.
* Truyện ngắn và tiểu thuyết:
- Nêu được ấn tượng chung về các văn bản đọc hiểu.
- Nhận biết được đề tài, chủ đề, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc.
+ Nhận biết được văn bản kể chuyện gì, có những nhân vật nào, ai là người được chú ý nhất, những chi tiết nào đáng nhớ.
+ Nắm được trình tự diễn ra của các sự việc và mối quan hệ của các sự việc ấy; mở đầu và kết thúc truyện có gì đặc biệt, …
+ Nhận biết được chủ đề của truyện, chỉ ra được sự liên quan của chủ đề ấy với cuộc sống hiện nay của bản thân các em.
- Nhận biết được các yếu tố hình thức (bối cảnh, nhân vật, ngôi kể và sự thay đổi ngôi kể, từ ngữ địa phương, đặc sắc ngôn ngữ vùng miền…)
- Nêu được những trải nghiệm trong cuộc sống giúp bản thân hiểu thêm về nhân vật, sự việc trong tác phẩm văn học.
- Thể hiện được thái độ đồng tình hay không đồng tình với thái độ, tình cảm, cách giải quyết vấn đề cảu tác giả và nêu ra được lí do.
* Truyện khoa học viễn tưởng
- Chú ý các yếu tố hình thức (Sự kiện, tình huống, cốt truyện, nhân vật, bối cảnh…
- Chú ý nội dung (đề tài, chủ đề, ý nghĩa):
+ Tác giả viết về ai? Về sự kiện (đề tài) gì?
+ Những yếu tố nào của văn bản cho biết tính chất tưởng tượng về một tương lai rất xa so với thời điểm tác phẩm ra đời.
+ Những yếu tố cho thấy người viết có những hiểu biết và dựa vào thành tựu khoa học, không có các yếu tố thần kì, siêu nhiên như truyện truyền thuyết, cổ tích:
- Chú ý bài học về cách nghĩ, cách ứng xử cho bản thân gợi ra từ văn bản.
- So sánh được những vấn đề nêu ra trong truyện với thực tế cuộc sống.
- Thể hiện thái độ đồng tình hoặc không đồng tình với thái độ, tình cảm và cách giải quyết vấn đề của tác giả, và nêu lí do.
4. Yêu cầu luyện viết các kiểu văn bản.
Tên kiểu văn bản Yêu cầu cụ thể
Tự sự Viết bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử
Biểu cảm Bước đầu biết làm bài thơ bốn chữ, năm chữ; viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ
Biểu cảm về con người hoặc sự việc
Nghị luận
Nghị luận về một vấn đề trong đời sống (nghị luận xã hội) và phân tích đặc điểm nhân vật (nghị luận văn học)
Thuyết minh Thuyết minh về quy tắc, luật lệ trong một hoạt động hay trò chơi.
6. Các bước tiến hành viết một văn bản.
Thứ tự các bước Nhiệm vụ cụ thể
Bước 1: Chuẩn bị – Xác định đề tài: Viết về cái gì? Viết về ai?
– Xác định kiểu văn bản và mục đích viết:
+ Bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử: Kể về sự việc liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện có trong lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước hoặc sự việc liên quan đến những người hoặc sự kiện trong lĩnh vực lao động, văn hóa, khoa học như nhà bác học, nhà phát minh sáng chế, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, vận động viên nổi tiếng...
+ Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ: Xác định các yếu tố nội dung hay nghệ thuật đặc sắc trong bài thơ gây ấn tượng. Bộc lộ cảm xúc về đặc sắc nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
+ Bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc: Bộc lộ tình cảm, cảm xúc, những suy nghĩ và thái độ của người viết về con người và sự việc trong cuộc sống hoặc tác phẩm
+ Phân tích đặc điểm của nhân vật: Giới thiệu, miêu tả, nêu lên nhận xét về những nét tiêu biểu của một nhân vật trong tác phẩm như: lai lịch, hình dáng, những suy nghĩ lời nói, hành động, việc làm...
+ Bài văn thuyết minh về quy tắc, luật lệ trong một hoạt động hay trò chơi: Giới thiệu những quy định mà các thành viên tham gia hoạt động hay trò chơi ấy cần tông trọng và tuân thủ.
– Xác định kiểu văn bản:
+ Tự sự hay miêu tả?
+ Nghị luận hay biểu cảm?
+ Thuyết minh hay nhật dụng?
– Thu thập tư liệu:
+ Trong thực tế
+Trên sách, báo, internet
Bước 2.
Tìm ý và lập dàn ý - Tìm ý cho bài viết và phát triển các ý bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi, sắp xếp các ý có một bố cục rành mạch, hợp lí
- Lập dàn bài ( có thể bằng sơ đồ tư duy) đầy đủ 3 bước: Mở bài, thân bài, kết bài
- Bước 3:
Viết
-Diễn đạt các ý đã ghi trong bố cục thành những câu, đoạn văn chính xác, trong sáng, có mạch lạc và liên kết chặt chẽ với nhau.
Bước 4: Kiểm tra và chỉnh sửa
Kiểm tra lại văn bản để xem có đạt các yêu cầu đã nêu chưa và cần sữa chữa gì không.
Tiêu chí
kiểm tra Câu hỏi kiểm tra Lỗi
cụ thể
Nội dung - Nội dung văn bản viết đã đầy đủ chưa
- Các ý trong bài có chính xác không?
- Nội dung các phần trong bài văn đã thống nhất chưa?
- Có nội dung nào mới mẻ, độc đáo không?
Hình thức - Bài văn có đủ ba phần chưa?
- Sắp xếp các ý đã hợp lý chưa?
- Có lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp, liên kết câu không?
- Diễn đạt có rõ ràng, dễ hiểu không?
-Trình bày: chữ viết, xuống dòng và độ dài văn bản có đúng không?
7. Luyện tập một số dạng bài đọc hiểu và làm văn
Phần 1- ĐỌC HIỂU THƠ
ĐỀ SỐ 1: Đọc đoạn văn bản sau và trả lời câu hỏi:
“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
“Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn.”
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng.
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.”
(“Ánh trăng”- Nguyễn Duy)
Câu 1. Bài thơ viết theo thể thơ nào? Chỉ ra nét đặc biệt trong cách thể hiện các dòng thơ và tác dụng của nét đặc biệt đó.
Câu 2. Bài thơ là dòng cảm xúc của ai? Đó là cảm xúc nào?
Câu 3. Chép chính xác khổ thơ thể hiện tình huống của câu chuyện. Theo em, đó là tình huống nào? Tình huống này có tác dụng gì trong việc diễn tả mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình?
Câu 4. Trong bải thơ “Ánh trăng”, tại sao tác giả lại tự nhận mình là “người vô tình” vả lại “giật mình” trước “ánh trăng im phăng phắc”?
Câu 5: Khép lại bài thơ “Ánh trăng”, Nguyễn Duy viết:
“ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.”
Trong hai câu thơ trên, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ gì? Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đó.
ĐỀ SỐ 2; Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ 1- 5:
“Sang năm con lên bảy
Cha đưa con đến trường
Giờ con đang lon ton
Khắp sân vườn chạy nhảy
Chỉ mình con nghe thấy
Tiếng muôn loài với con.
Mai rồi con lớn khôn
Chim không còn biết nói
Gió chỉ còn biết thổi
Cây chỉ còn là cây
Đại bàng chẳng về đây
Đậu trên cành khế nữa
Chuyện ngày xưa, ngày xửa
Chỉ là chuyện ngày xưa. Đi qua thời ấu thơ
Bao điều bay đi mất
Chỉ còn trong đời thật
Tiếng người nói với con
Hạnh phúc khó khăn hơn
Mọi điều con đã thấy
Nhưng là con giành lấy
Từ hai bàn tay con.”
(“Sang năm con lên bảy” - Vũ Đình Minh)
Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào? Nêu nội dung chính bài thơ.
Câu 2. Theo em, phương thức biểu đạt chính tác giả sử dụng trong bài thơ trên là gì? Vì sao?
Câu 3. Giải nghĩa từ “đi” trong câu thơ “Đi qua thời ấu thơ”. Từ “đi” thuộc loại từ nào?
Câu 4. Qua đoạn thơ người cha muốn nói với con điều gì khi con lớn lên và từ giã thời thơ ấu?
Câu 5. Chia sẻ những cảm nhận sâu sắc của em về bài thơ trên.
Câu 6. Từ bài thơ em rút ra những bài học nào về bổn phận, trách nhiệm của con cái với cha mẹ.
ĐỀ SỐ 3
Đọc văn bản và trả lời câu hỏi bằng cách điền vào phiếu học tập:
“Thầy khép lại bài giảng
Trang cuối cùng hôm nay
Bàn tay khép cánh cửa
Đong nắng hạ vơi đầy…
Đêm khép một ngày dài
Sen khép mùa xoan nở
Hạ men vào khung cửa
Khép tàu dừa đêm sao…
Tiếng trống trường chênh chao
Khép một mùa hoa nắng
Tuổi học trò …Im lặng
Khép vụng về câu thơ!
Cửa khép để rồi mở
Nụ khép rồi đơm hoa
Em khép thời áo trắng
Đến bao giờ mở ra?”
(Cầm Thị Đào, “Khép”, Văn học và tuổi trẻ, số 5/2004, trang 49)
Câu 1. Xác định thể thơ, phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2. Chỉ ra đặc điểm gieo vần, ngắt nhịp ở khổ thơ thứ 2, 3 của bài thơ.
Câu 3. Nêu nội dung chính của văn bản.
Câu 4. Chỉ ra ý nghĩa của các dấu ba chấm, dấu chấm than và dấu hỏi chấm trong bài thơ?
Câu 5. Chỉ rõ ý nghĩa, cái hay của từ "khép" trong các khổ thơ.
Câu 6. Nêu cảm nhận của em về hai câu thơ:
“Tiếng trống trường chênh chao
Khép một mùa hoa nắng”
ĐỀ SỐ 4
(1) Tôi vẫn hay đi về
Nơi con đường năm ấy
Qua những bờ lau sậy
Trắng xóa những niềm riêng.
(2) Mênh mông thuở hồn nhiên
Con chuồn chuồn bụng đỏ
Cánh diều nghiêng nghiêng gió
Chở nặng miền ước mơ.
(3) Con nhện hồng ươm tơ
Giăng kín lời ru muộn
À ơi con cà cuống
Mang tuổi thơ đâu rồi?
(4) Tiếng hát thuở nằm nôi
Lớn theo từng mùa gặt
Vẫn còn nghe trong vắt
Như những hòn bi xanh./.
(Trích Đi về, Phạm Hải Bằng, Thơ Tình Du Mục, 2011
Câu 1. Hãy chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.
Câu 2. Chỉ ra một số từ ngữ, hình ảnh gợi những kỷ niệm tuổi thơ của tác giả.
Câu 3. Hai câu thơ Cánh diều nghiêng nghiêng gió/ Chở nặng miền ước mơ gợi cho em suy nghĩ gì?
Câu 4. Hãy chỉ ra và phân tích tác dụng nghệ thuật của các biện pháp tu từ được nhà thơ Phạm Hải Bằng sử dụng trong đoạn thơ (3) và (4).
ĐỀ SỐ 5: Đọc đoạn thơ và trả lời các câu hỏi:
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu Nước như ai nấu Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…
(Trích “Hạt gạo làng ta” – Trần Đăng Khoa
Câu 1. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Nêu hình ảnh đối lập được sử dụng trong đoạn thơ.
Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả biểu đạt của phép tu từ được sử dụng trong hai câu thơ “Nước như ai nấu/Chết cả cá cờ”
Câu 4. Qua đoạn thơ, tác giả muốn khẳng định những giá trị gì của “hạt gạo làng ta”.
Câu 5. Chia sẻ suy nghĩ của em về thái độ cần có của mỗi người với những sản phẩm lao động giống như “hạt gạo” được nhắc đến trong đoạn thơ trên.
ĐỀ SỐ 6: Đọc bài thơ sau:
VỀ MÙA XOÀI MẸ THÍCH
Quả xoài xưa Mẹ thích
cứ gợi mãi trong con
cái hương thơm chín nức
cái quả bé tròn tròn.
Khi cây xoài trước ngõ
lấp ló trái vàng hoe
đủ nhắc cho con nhớ
mùa hạ đã gần về.
Cầm quả xoài của Mẹ
cầm cả mùa trên tay
cắn miếng xoài ngọt lịm
vị đầu lưỡi thơm hoài.
Vô tình hay hữu ý
xoài mang hình quả tim?
Riêng con thì con nghĩ
đấy - lòng Mẹ ngọt mềm.
Tóc xoã rồi tóc búi
một đời Mẹ chắt chiu
xoài non rồi chín tới
quả lủng lẳng cành treo. Nghe hương xoài bay theo
từng bước chân của Mẹ
thơm lựng vào lời kể
những câu chuyện đời xưa.
Ngỡ hạt mưa đầu mùa
là hột xoài trong suốt
nhìn vỏ xoài Mẹ gọt
con gọi: cánh hoàng lan...
Ngỡ như cả mùa vàng
nằm trong bàn tay mẹ
trọn một đời thơ bé
uớp lẫn với hương xoài.
Nhưng rồi có một ngày
trái xoài già rụng cuống...
Tháng hạ không đến sớm
dù cho quả xoài vàng
tháng hạ không đến muộn
đủ nhắc con mùa sang.
Ngào ngạt khắp không gian
hương xoài xưa Mẹ thích.
(In trong Mùa hạ trong thi ca, Tuyển thơ nhiều tác giả,NXB Hội nhà văn, 2007)
Câu 1. Bài thơ được làm theo thể gì?
Câu 2. Chỉ ra những đặc điểm vần, nhịp của bài thơ.
Câu 3. Tìm một số từ ngữ, hình ảnh miêu tả “quả xoài của mẹ” qua cách nhìn, cách cảm của người con. Nhận xét về điểm chung của những từ ngữ, hình ảnh ấy và nêu tác dụng của cách miêu tả đó.
Câu 4. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ nghệ thuật trong đoạn thơ sau:
Nhưng rồi có một ngày
trái xoài già rụng cuống...
Tháng hạ không đến sớm
dù cho quả xoài vàng
tháng hạ không đến muộn
đủ nhắc con mùa sang.
Câu 5. Hình ảnh người mẹ hiện lên như thế nào trong văn bản. Xác định chủ đề và thông điệp văn bản muốn gửi đến người đọc.
Câu 6. Viết đoạn văn 7 – 10 dòng bày tỏ suy nghĩ của mình: Vì sao trong cuộc sống cần có lòng hiếu thảo?
TIẾNG VIỆT
Câu 1. Thế nào là phép đối? Phép đối có tác dụng gì?
Câu 2. Nêu đặc điểm của phép đối về số lượng âm tiết, thanh điệu, từ ngữ…
Câu 3. Thế nào là so sánh? Kể tên các kiểu so sánh và nêu tác dụng.
Câu 4. Thế nào là câu hỏi tu từ?
Câu 5. Đọc các câu thơ là câu hỏi tu từ trong bài “Mẹ” của Đỗ Trung Lai và “Ông đồ” của Vũ Đình Liên? Nêu hiệu quả nghệ thuật của các câu hỏi tu từ đó.
ĐỀ SỐ 1
Chỉ ra phép đối và tác dụng của phép đối trong khổ thơ sau:
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
(“Sang thu”- Hữu Thỉnh)
ĐỀ SỐ 2
Chỉ ra ý nghĩa miêu tả, biểu cảm của biện pháp tu từ so sánh trong đoạn thơ sau:
Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước
(“ Mùa xuân nho nhỏ”- Thanh Hải)
ĐỀ SỐ 3
Trong khổ thơ sau hình ảnh so sánh đã góp phần diễn tả nội dung thêm sinh động, gợi cảm như thế nào?
Mùa thu của em
Lá vàng hoa cúc
Như nghìn con mắt
Mở nhìn trời êm
(“Mùa thu của em”- Quang Huy)
ĐỀ BÀI 4
Trong đoạn thơ tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Em hãy nêu hiệu quả biểu đạt của biện pháp nghệ thuật ấy.
“Mầm non mắt lim dim
Cố nhìn qua kẽ lá
Thấy mây bay hối hả
Thấy lất phất mưa phùn”
(Mầm non – Võ Quảng)
Phần 2: LUYỆN VIẾT VĂN BIỂU CẢM VỀ CON NGƯỜI
Bài tham khảo: Biểu cảm về người thân
Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa? Với mọi người câu trả lời ấy có thể là ông bà, là bố, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người mẹ mãi là hình ảnh thiêng liêng nhất.
Tôi yêu lắm vóc dáng, hình hài, đôi bàn tay của mẹ. Thân hình mẹ mảnh mai, thon gọn và dáng người nhanh nhẹn, luôn thoắt qua, thoắt lại lo lắng từng miếng cơm ăn, chăm sóc cho từng thành viên trong gia đình. Đôi bàn tay gầy gầy, xương xương của mẹ đã đen sạm đi, từng vết chai sạn nổi trên tay mẹ qua bao nhiêu sóng gió của cuộc đời. Đôi bàn tay ấy đã bế tôi, ru tôi khi tôi cất tiếng khóc chào đời. Dôi tay ấy đã đặt lên vai tôi, gạt nước mắt và khẽ vuốt lên mái tóc tôi khi tôi buồn ba, chán nản. Chính đôi bàn tay ấy đã đặt lên trán tôi, nấu cháo bồn cho tôi ăn mỗi líc tôi bị ốm. Tôi yêu đôi bàn tay đen sạm ấy – đôi bàn tay đã nắm tay tôi dắt đi trên con đường đời.
Càng yêu mẹ, tôi vàng xúc động trước sự hi sinh thầm lặng của mẹ mà cao cả của mẹ, thấm thía điều hay lẽ phải mà mẹ dạy cho chúng tôi. Mẹ đã vất vả lắm với công việc ở cơ quan, về nhà, lại bận rộn với biết bao nhiêu việc nhà. Bố hay đi công tác xa nên tất cả đều một tay mẹ lo toan.Có những hôm, đã mười một giờ đêm, chợt tỉnh giấc, tôi vẫn thấy mẹ đang giặt chậu đồ với biết bao quần áo bẩn của anh em tôi. Nhìn mẹ lúc ấy, tôi thấy thương mẹ vô cùng. Giá tôi có thể lớn hơn chút nữa, tôi đã có thể giúp mẹ những công việc ấy. Mẹ còn giành thời gian để quan tâm tới việc học của anh em tôi. Mẹ lo cho chúng tôi từ cái cặp, cái sách đến bộ quần áo đến trường. Tối nào mẹ mẹ cũng giành thời gian để cùng tôi học bài. Mặc dù đã học qua rất lâu rồi nhưng trí nhớ của mẹ về các công thức toán và các bài văn thì vẫn rất tốt. Nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn của mẹ tôi đã làm được những bài tập khó cô giáo ra. Tôi thấy mình thật may mắn vì có mẹ.
Tôi xúc động nhất vẫn là sự quan tâm, lo lắng của mẹ những lúc tôi bị ốm. Suốt đêm, mẹ không ngủ được, cứ ngồi bên cạnh giường, đắp chiếc khăn ướt lên trán để tôi nhanh khỏi sốt. Khuôn mặt đầy mệt mỏi nhưng mẹ vẫn gắng gượng. Nhìn mái tóc mẹ đã điểm những sợi bạc, cái màu bạc trắng của tuổi tác, cái màu bạc của sự vất vả càng làm tôi yêu thương mẹ hơn biết chừng nào.
Mẹ còn là cô giáo dạy cho tôi nhiều bài học hay về cách cư xử trong cuộc sống. Mẹ dạy tôi cách sống hoà đồng với bạn bè, nhân ái với mọi người xung quanh, biết cúi xuống, giơ bàn tay ra để nâng đỡ những người bất hạnh hơn mình. Theo dòng thời gian, tôi lớn lên và dần hiểu được sự đời, mà không biết bao nhiêu lần tôi đã vấp ngã và dường như ngã quỵ trước số phận, nhưng tôi đã đứng lên, tôi vững bước trên con đường đi vì phía sau lưng tôi hình bóng của mẹ. Hình bóng mẹ thật ấm áp, vòng tay mẹ thật dịu dàng đã che chở nâng bước tôi trên con đường đời. Tôi luôn biết ơn mẹ rất nhiều, mẹ đã dành cho tôi một con đường sáng ngời, bởi đó là con đường của học vấn, chứ không phải là con đường đen tối của tiền bạc. Tôi sẽ luôn lấy những lời mẹ dạy để sống, lấy mẹ là gương sáng để noi theo.
Yêu thương mẹ, để mẹ không bao giờ phải phiền lòng về tôi, tôi luôn tự hứa với bản thân sẽ luôn học tập thật tốt. Tôi nghĩ, phần thưởng lớn nhất tôi có thể tặng mẹ bậy giờ là những giờ học tốt, những bông hoa điểm mười. Và tôi cũng tập dần cho mình cách sống tự lập. Tôi muốn cho mẹ biết rằng con của mẹ đã lớn khôn, tôi muốn mẹ an tâm về tôi, để mẹ bớt đi phần nào cái lo toan trong cuộc sống.
"Hạnh phúc thay cho người nào được Thượng Đế ban tặng cho một người mẹ hiền" . Thật vậy, tôi đã có được hạnh phúc ấy từ mẹ, tấm lòng mẹ thật bao la …mẹ là cả cuộc đời của tôi nên tôi chỉ mong mẹ mãi mãi sống để yêu thương tôi, chăm sóc tôi, an ủi tôi, bảo ban tôi và để tôi được quan tâm đến mẹ, yêu thương mẹ trọn đời. Tình mẹ là tình cảm thiêng liêng nhất trên đời này, tình cảm ấy đã nuôi tôi trưởng thành, dạy dỗ tôi khôn lớn. Vì vậy, tôi luôn yêu thương mẹ,. Và tôi muốn nói với mẹ rằng: “Con dù lớn vẫn là con mẹ. Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con".
Bài tham khảo 2: Cảm nghĩ về bố
Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa? Với mọi người câu trả lời ấy có thể là ông bà, là mẹ, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.
Trong mắt tôi, bố là người tuyệt vời nhất. Tôi yêu mái tóc của bố, mái tóc đã điểm bạc theo thời gian, theo sự dãi dầu mưa nắng. Mỗi lần nhổ những sợi bạc trên đầu bố, tôi lại thấy chạnh lòng thương bố biết bao. Tôi yêu đôi bờ vai của bố. Thật vui khi đi học về, tôi lại được tựa vào vai bố, kết thúc một ngày học tập mệt mỏi. Tôi còn yêu cả đôi bàn tay bố. Đôi bàn tay to bản, thô ráp ấy đã từng lóng ngóng bế tôi khi tôi vừa cất tiếng khóc chào đời. Đôi bàn tay đã làm biết bao nhiêu công việc nặng nhọc cho gia đình. Và cũng chính đôi bàn tay ấy đã nấu những món ăn ngon cho tôi mỗi khi mẹ đi công tác xa. Mặc dù, tuổi tác đã làm cho bố kém đi sự phong độ của thời trai trẻ nhưng trong mắt tôi, bố vẫn luôn là người đẹp nhất.
Tôi yêu bố vì bố là người giàu đức hi sinh, chịu thương, chịu khó. Bố là công nhân xây dựng. Công việc của bố rất vất vả. Hàng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc mặt trời đã ngã bóng. Nơi làm việc của bố là những công trường đầy khói bụi thế nhưng bố nào có ngại ngần. Dù thời tiết thay đổi, dù là những trưa hè oi ả nắng, hay những ngày mưa ngâu rả rích, rồi cả những mùa đông lạnh giá, bố vẫn cố gắng đứng bàm trụ với công việc. Tôi hiểu rằng, tất cả những gì bố làm là vì chúng tôi. Tôi thấy thật tự hào và hãnh diện mỗi khi nhắc đến bố và nghề nghiệp của bố với mọi người.
Tôi yêu bố bởi bố là người quan tâm đến tôi nhiều nhất. Chưa bao giờ bố để con phải đợi mỗi khi con tan trường. Chưa bao giờ con phải than phiền vì bố quên ngày sinh nhật của con hay quên mua cho con một món quà như bố đã hứa. Dù bận thế nào, bố cũng không quên đưa con đi công viên vào ngày chủ nhật. Với con, bố như là một người bạn giúp con trút bầu tâm sự mỗi khi con có chuyện buồn. Bố còn là người thầy giáo ân cần nhất mà con từng được biết. Khi con mắc lỗi hay bọ điểm kém bố không hề đánh mắng mà động viên, nhắc nhở nhẹ nhàng. Lời của bố lúc ấy mới ấm lòng làm sao. Bố còn hướng dẫn con cách làm những bài toán khó. Bố giảng thật dễ hiểu, bởi thế con chỉ nghe một lần là làm được ngay. Tôi phục bố lắm, bố thuộc hàng mấy nghìn câu Kiều, hàng trăm câu châm ngôn, danh ngôn nổi tiếng…
Mỗi khi bố vắng nhà, tôi đều cảm thấy buồn như thiếu vắng đi một điều gì đó quan trọng. Con thường đếm từng ngày cho bố mau về và hôm nào cũng gọi điển hỏi thăm để được nghe giọng nói ấm áp của bố. Còn thường đứng đợi hàng giờ trước cửa ngày bố vể để được ôm bố, xách va li và líu lo hỏi chuyện.
Trong những bữa cơm bố thường nhắc chúng tôi cách sống, cách làm người sao cho phải đạo. Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tự giác học tập để không bao giờ bố phải buồn lòng về tôi. Tôi sẽ tặng bố thật nhiều điểm tốt và thành tích cao trong học tập để nụ cười luôn nở trên môi bố. Nếu cho tôi một điều ước, tôi sẽ ước bố mãi luôn khoẻ mẹ để sống bên mẹ con tôi, để nâng đỡ, chở che cho tôi và để tôi được quan tâm bố trong suốt cuộc đời.
Tôi nhớ, có một nhạc sĩ đã từng viết: “Bố, bố là tất cả, bố ơi, bố ơi”. Quả đúng như vậy, bố là tất cả đối với tôi. Cảm ơn tạo hoá đã ban tặng cho tôi một người bố tuyệt vời. Từ tận đáy lòng mình con luôn muốn nói với bố: “Con yêu bố biết nhường nào”.
Viết bài văn hoàn chỉnh biểu cảm về ông(bà) của em
1. Mở bài: Giới thiệu về các thành viên trong gia đình, dẫn dắt để giới thiệu về người bà.
• Nêu cảm nghĩ chung về người bà.
2. Thân bài
a. Biểu cảm về :Đôi nét về ngoại hình và tính cách
- Năm nay, bà nội em ……….. tuổi như trông bà vẫn còn trẻ trung lắm. Bà nội đã nghỉ hưu được 4 năm rồi. bà làm công việc gì: buôn bán hay giáo viên hay nội trợ…..
Nội em có khuôn mặt trái xoan, có sống mũi dọc dừa, đôi mắt to, lông mày đậm hơi cong tự nhiên rất đáng yêu.
- Nội em ăn mặc giản dị nhưng rất niềm nở. Nội em toàn chọn những màu hơi tối như tím than, xanh dương đậm, tím đậm. Có lẽ da nội trắng nên mặc những màu đó, bà nội càng trẻ, càng đẹp hơn.
- Khi còn đi dạy học, nội em thường đi giày màu đen hoặc nâu. Khi ở nhà, bà nội em đi đôi dép nhựa màu đen.
b. Biểu cảm về kỉ niệm và tình cảm dành cho bà
- Từ ngày nghỉ hưu, suốt ngày bà nội em chẳng chịu nghỉ ngơi mà lúc nào cùng luôn tay.
- Buổi sáng, nếu mẹ em đi làm ca thì bà nội là người lo mọi công việc của một người nội trợ như quét dọn, nấu nướng, giặt giũ…
- Đi học về, hôm nào em cũng có cơm ngon, canh ngọt.
- Khi làm hết mọi việc trong gia đình. Nội lại nghĩ ra nhiều món ăn mới. Nội ghi ghi, chép chép cách nấu để ngày chủ nhật liền đó thế nào cả nhà cũng có một bữa ăn với những món ăn rất ngon bà nội đã tự sáng chế ra.
- Thương bà nội vất vả, em luôn tranh thủ thời gian để giúp nội những việc lặt vặt trong nhà như quét dọn nhà cửa, đánh ấm chén,…
- Bà nội em sống rất nghĩa tình và tốt bụng. Bà con lối xóm luôn lấy bà nội em ra làm tấm gương để dạy bảo con cháu.
- Với em, bà nội còn là nơi em gửi gắm niềm vui, nỗi buồn. Có những chuyện em không thể tâm sự được với mẹ nhưng lại có thể nói với bà. Những lúc ấy, bà nội em quả thực là điểm tựa tinh thần vững chắc cho em.
c. Biểu cảm về một kỉ niệm gắn bó với bà.
3. Kết bài Em rất yêu quý và kính trọng bà nội của mình.
• Em sẽ rất hiểu thảo với bà nội để bà vui, bà sống lâu trăm tuổi